Xử trí khi trẻ bị sứa đốt
Trẻ em khi đi biển, chơi đùa trong nước, tắm biển nếu chạm phải những tua râu của sứa sẽ bị ngộ độc gây đau rất dữ dội.Sứa là loài nhuyễn thể thân mềm sống ở môi trường nước biển. Thành phần nọc độc của sứa rất đa dạng, thường chứa histamine và các chất giống kinin có tác dụng độc lên mô tại chỗ và trên khắp cơ thể gây viêm da hoại tử, độc trên hệ cơ, độc trên tim, hệ thần kinh và gây tan máu. Nếu không biết cách xử trí thích hợp có thể gây những biến chứng nặng nguy hiểm hoặc vết thương lâu lành, để lại sẹo.
Nhận biết sứa đốt
Vết sứa đốt có thể nhận biết bằng cách quan sát dãy vết trầy dạng mề đay thường gặp ở vùng chân trẻ, ít gặp ở hông và tay. Những vết đặc trưng có dạng thẳng hoặc xoắn, hoặc những dấu vết va chạm với tua râu của sứa trên da trẻ gây đau dữ dội
Vết sứa đốt trên chân trẻ
Cách xử trí khi trẻ bị sứa đốt:
- Trấn an để trẻ bớt lo lắng, sợ hãi.
- Hạn chế vận động vùng bị thương.
- Nhanh chóng rửa vết thương bằng nước biển để làm sạch các tế bào phóng độc chưa bị kích hoạt.
- Không rửa bằng nước thường vì làm tổn thương nặng hơn.
- Có thể dùng giấm, ammoniac, cồn hoặc soda cũng có tác dụng tốt.
- Dùng vật có cạnh như que kem, thìa, vỏ sò, dao, hoặc bìa cứng cạo hay chà sát nhẹ lên vết đốt để đẩy các tế bào phóng độc ra khỏi vết thương. Có thể chườm đá để giảm đau.
- Những trường hợp có biểu hiện sốc phản vệ cần phải đi viện ngay. Sau khi bị sứa đốt, trẻ đột ngột cảm thấy khó chịu, ớn lạnh, hoảng hốt, lo sợ, sau đó nhanh chóng xuất hiện các triệu chứng ở da, niêm mạc như nóng bừng, nổi ban đỏ ngứa, phù mắt, phù môi, ngạt mũi…; ở hệ hô hấp như khó thở, thở rít; ở hệ tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy; và hệ tim mạch (đau ngực, đau đầu, chóng mặt, ngất, tái nhợt, tụt huyết áp).
- Sau khi sơ cứu cần theo dõi trẻ trong khoảng 8 giờ. Nếu trẻ vẫn còn đau hoặc bất cứ có triệu chứng nào thì phải đưa tới cơ sở y tế ngay.
Đăng nhận xét